Chương trình mùa 2 (Lab2Market) được khởi động, kết nối thương mại hóa sáng chế, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học ra thị trường.
Chiều 5/5, chương trình Ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường tổng kết mùa 1 và khởi động mùa 2. Lab2Market là chương trình ươm tạo đưa sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học hàng đầu trong trường đại học Việt Nam ra thị trường. BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) phối hợp cùng Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) đồng tổ chức.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings, sản phẩm của các nhà nghiên cứu thường khó tìm được “tiếng nói chung” với thực tế của thị trường. Đây là lý do Lab2Market hình thành, nhằm đưa các sáng chế ra thị trường, giúp các nhà nghiên cứu thấu hiểu và có chiến lược, đồng thời nhận được cơ hội đầu tư để phát triển sản phẩm và doanh nghiệp của mình.
“Chương trình tiếp cận ban đầu hơn 100 nhóm nghiên cứu, phỏng vấn 20 nhóm để chọn ra 12 nhóm giai đoạn ươm tạo giai đoạn I, sau đó chọn 4 nhóm để xây dựng cho mùa 2”, ông Dũng nói.
Lần đầu ra mắt năm 2021, chương trình đồng hành cùng 12 nhóm nghiên cứu, các nhà sáng chế với mục tiêu thương mại hóa sản phẩm. Ở mùa một có 50% nhóm đã đăng kí kinh doanh, 20 nhóm được giải thưởng quốc gia, khu vực và 40% nhóm được đầu tư và kết nối doanh nghiệp. “Chương trình ươm tạo đầu tiên cho các nhà khoa học với hàm lượng công nghệ cao”, ông Dũng nói và kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho các nhóm nghiên cứu mùa hai với nhiều thành quả hơn nữa.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) nhận định, chương trình là định hướng đúng, tạo ra sự hỗ trợ tốt hơn cho các sáng chế ra thị trường và cho các nhóm tham gia.
Là tác giả 40 bằng sáng chế tham gia Lab2Market, ông Đỗ Đức Thắng (Hà Nội) nhận định, giá trị của tài sản trí tuệ ngày càng tăng và được chú trọng. Tuy nhiên “ngôn ngữ phòng thí nghiệm với thị trường có khoảng cách rất lớn”. Các sáng chế sẽ ở mức chứng minh được là tốt và dừng lại ở nghiên cứu nếu không được đưa ra thị trường. Bởi vậy, ông Thắng đánh giá, chương trình ươm tạo đã cơ hội cho nhà nghiên cứu nhận được những cơ hội đầu tư để phát triển sản phẩm.
Việc hình thành hệ sinh thái bền vững cho các nhà khoa học cũng trở thành nền tảng để Lab2market đưa ra định hướng trong mùa tiếp theo, hướng tới các nhóm nghiên cứu tiềm năng cũng như tới các thành phần khác nhau trong thị trường khoa học công nghệ.
Bà Jen Vũ Hường, Giám đốc phát triển chương trình và cộng đồng và BK Holdings, kiêm giám đốc phát triển chương trình Lab2Market, cho biết, mùa hai đồng hành với các nhóm nghiên cứu tiến xa hơn trong hành trình đi từ phòng lab ra thị trường. Chương trình kết nối với thị trường ở Canada, Australia và các mạng lưới của BK Holdings, BK Fun. “Mùa hai giúp các nhóm định giá về sở hữu trí tuệ, kết hợp các trường để chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sáng chế”, bà Hường nói.